Contactor là gì? Phân loại và cấu tạo Contactor

Ngày đăng: 03/01/2024

Contactor là gì?

Contactor hay còn gọi là công tắc tơ là khí cụ điện dùng để đóng, cắt thường xuyên các mạch điện động lực, từ xa, bằng tay hay tự động.

Việc đóng cắt contactor có tiếp điểm có thể được thực hiện bằng nam châm điện, thủy lực hay khí nén. Thông thường ta gặp loại đóng cắt bằng nam châm điện.

Các contactor không tiếp điểm, việc đóng cắt công tắc tơ loại này được thực hiện bằng cách cho các xung điện để khóa hoặc mở các van bán dẫn ( thyristor, triac).

Contactor có hai vị trí : đóng – cắt, được chế tạo có số lần đóng cắt lớn, tần số đóng cắt có thể tới 1500 lần trong một giờ.

Phân loại contactor

Phân loại theo nguyên lý truyền động

– Công tắc tơ đóng cắt tiếp điểm bằng điện từ, bằng thủy lực, bằng khí nén .

– Công tắc tơ không tiếp điểm

Phân loại theo dạng dòng điện đóng cắt

– Công tắc tơ điện một chiều để đóng, cắt mạch điện một chiều, nam châm điện của nó là loại nam châm điện một chiều.

– Công tắc tơ xoay chiều dùng để đóng, cắt mạch điện xoay chiều, nam châm điện của nó có thể là nam châm điện một chiều hay xoay chiều.

Cấu tạo contactor

– Contactor điện từ có các bộ phận chính như sau:

+ Hệ thống tiếp điểm chính

+ Hệ thống dập hồ quang

+ Cơ cấu điện từ

+ Hệ thống tiếp điểm phụ

Các thông số kỹ thuật của contactor

Điện áp định mức của cuộn hút Ue

Có thể là điện xoay chiều 220VAC, 380VAC; hoặc điện một chiều 12VDC, 24VDC

Công suất định mức P(kW)

Là công suất định mức của contactor ở chế độ AC3, tại HSCS 0,65. Contactor thường được chế tạo theo dãu công suất từ (kW) : 4 – 5 – 7,5 – 11 – 15 – 18,5 – 22 – 30 – 37 – 45 – 55 – 75 – 90 – 110 – 140 – 160 – 200 – 250 – 315 – 400 – 470 – 560.

Dòng định mức Ie (A)

Là dòng định mức của tiếp điểm chính, ở chế độ AC1, tại HSCS 0,95

Các chế độ làm việc của contactor

(Theo IEC 60497-4- 1)

AC1

Qui định giá trị dòng điện qua tiếp điểm chính của contactor, khi contactor đóng cắt cho tải xoay chiều có cosϕ 0.95. VD : dùng cho lò sưởi, tải chiếu sáng…

AC2

Được dùng để khởi động, phanh nhấp nhả (plugging), phanh ngược (reverse current braking) cho động cơ không đồng bộ roto dây quấn. VD: dùng cho máy nâng hạ, thang máy, băng chuyền…

AC3

Được dùng để vận hành cho động cơ không đồng bộ rotor lồng sóc trong suốt quá trình vận hành thông thường. VD: dùng cho máy bơm, máy nén, máy điều hòa không khí, băng chuyền…

AC4

Được dùng cho động cơ không đồng bộ roto lồng sóc vận hành tắt mở liên tục: khởi động, phanh, nhấp nhả (plugging), phanh ngược (reverse current braking). VD: dùng cho máy nâng hạ, thang máy, cần cẩu…